Hàng nghìn người nhập cư trái phép vào nước Anh phải trải qua cuộc sống khốn khó với đồng lương và các khoản trợ cấp ít ỏi. Dù cho trước đó, họ đã phải trải qua những chuyến hành trình đầy nguy hiểm với ước mơ có một cuộc sống tốt hơn ở Anh.
Những người nhập cư trái phép trải qua cuộc sống khá khốn khó tại nước Anh
Vương quốc Anh hiện đang gặp nhiều khó khăn đối phó với thực tế rằng những người nhập cư "đang sống mòn" theo thời gian xin tị nạn, thậm chí họ còn bị lạm dụng và không được hỗ trợ đầy đủ để làm chứng chống lại những kẻ lạm dụng. Theo báo cáo của Ủy ban Công tác và Trợ cấp của Anh, hàng ngàn nạn nhân đã không dám đứng lên chống lại những kẻ lạm dụng, trong lúc những người khác chọn cách đưa ra bằng chứng chống lại chúng thì lại kết thúc trong nghèo khổ, do không được nhận đủ sự hỗ trợ cần thiết. Báo cáo cũng cho thấy rằng không có dữ liệu nào được thu thập về nạn nhân một khi họ rời khỏi National Referral Mechanism (NRM) – một cơ quan của Vương quốc Anh để xác định họ là nạn nhân của bọn buôn người và đảm bảo họ nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ. Ủy ban này cho biết, đó là một điều không thể chấp nhận được. Chính phủ Anh đã không thực hiện giám sát việc buôn bán lại nạn nhân và thúc giục cải cách NRM, trong đó cần thống kê lại các trường hợp nạn nhân chưa được hướng dẫn qui chế tị nạn. Là một phần của cuộc điều tra, Nam tước Butler-Sloss, Ủy viên của Human Trafficking Foundation, người đã giúp soạn thảo dự luật nô lệ hiện đại vào năm 2014, đã nhận xét rằng quá trình của NRM không khác gì việc chỉ một mẩu giấy cho nạn nhân. Trong thời gian vừa qua, người ta đã quyết định cắt giảm tiền trợ cấp sinh hoạt hàng tuần cho những người xin tị nạn, điều này khiến dấy lên những lo ngại về cuộc sống của họ trong thời gian tiếp theo. Trước đây, hàng tuần họ sẽ được nhận một khoản trợ cấp là 65 bảng Anh tuy nhiên sau khi quyết định được thông qua, con số này đã được giảm xuống chỉ còn 37,95 bảng Anh. Các nhân viên xã hội đã bày tỏ những lo ngại của họ về những tác động mà quyết định này mang lại. Những người nhập cư xin tị nạn tại Anh sẽ phải vật lộn để đảm bảo những điều kiện sinh hoạt cơ bản như thức ăn và đi lại. Với việc nguồn trợ cấp bị giảm đi, họ có thể quay lại những công việc bị bóc lột mà họ từng phải làm để kiếm thêm thu nhập. Vào đầu tháng 10, một phiên tòa xét xử cho biết một nạn nhân của đường dây buôn bán nô lệ tình dục đã xuất hiện với tình trạng sức khỏe không ổn định. Với việc bị nhiễm HIV do bốc lột, cô cần có một quá trình phục hồi được hỗ trợ đầy đủ. Tuy nhiên do các khoản trợ cấp bị cắt giảm, cô đã phải vật lộn lựa chọn giữa việc mua các khoản thức ăn cần thiết hay chi cho nhu cầu y tế của bản thân. Người phụ nữ này còn mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, gần đây được đánh giá là có nguy cơ tự tử. Sức khỏe tinh thần của cô đã xấu đi vì buộc phải bỏ lỡ các buổi trị liệu do không đủ khả năng chi trả. Luật sư Nusrat Uddin, người đại diện cho người phụ nữ này đã lên tiếng về quyết định cắt giảm của Bộ Nội vụ rằng, hiện tại các nạn nhân đang trong giai đoạn hồi phục sau chấn thương đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ cần thiết hơn. Chính phủ đã cam kết bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ họ hồi phục tuy nhiên những quyết định cắt giảm trợ cấp gần đây đối với những người nhập cư bất hợp pháp dường như lại thể hiện một thái độ hoàn toàn khác. Ông Kevin Hylandm, cựu Ủy viên của Independent Anti-Slavery, đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ Anh để bày tỏ mối lo ngại của ông về việc giảm trợ cấp sinh hoạt phí. Cựu Ủy viên này cảnh báo rằng, những quyết định được đưa ra mà không có cảnh báo chính thức đang gây nên ảnh hưởng bất lợi đối với cuộc sống và khả năng phục hồi của các nạn nhân đồng thời gia tăng khả năng đẩy họ quay trở lại những công việc mà họ từng bị bóc lột. Một cựu nhân viên xã hội được thuê bởi Hestia, tổ chức từ thiện được ký hợp đông chăm sóc các nạn nhân bị bóc lột, cho biết với việc các khoản trợ cấp bị cắt giảm, những người xin tị nạn được giải cứu khỏi tình trạng lao động nô lệ đã quay trở lại những công việc bất hợp pháp như ở các tiệm nail, công việc nhận tiền mặt trực tiếp hoặc ở các cửa hàng tiện lợi. Với lo ngại về chính sách hỗ trợ các nạn nhân từ phía các tổ chức nhân đạo, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: Chế độ nô lệ hiện đại và buôn người là tội ác ghê tởm và chính phủ cam kết sẽ giúp những người sống sót phục hồi sau khi bị bóc lột và hỗ trợ họ xây dựng lại cuộc sống. Chính phủ đã lắng nghe các đối tác quan trọng của mình và đang cố gắng kéo dài khoảng thời gian mà các nạn nhân được nhận được hỗ trợ tài chính trong khi tái hòa nhập cộng đồng, và các nạn nhân dễ bị tổn thương nhất - phụ nữ mang thai và trẻ em - sẽ nhận được nhiều tiền hơn so với hệ thống trước đó. Các nạn nhân sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ đặc biệt, bao gồm chỗ ở miễn phí, trợ giúp pháp lý và tiếp cận với tư vấn và chăm sóc y tế. Tuy nhiên điều này cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng, những nạn nhân đã và đang buộc phải quay trở lại cuộc sống như nô lệ để trang trải cho cuộc sống của họ tại nơi đất khách quê người...