Banner

Nikkei: Chiến tranh thương mại bóp nghẹt Trung Quốc khi tăng trưởng giảm quý thứ 2 liên tiếp, nhiều công ty đồng loạt chuyển sang Việt Nam


"Nhiều chủ doanh nghiệp mà tôi biết đã chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam", ông Zhuang Xuyan, chủ sở hữu công ty dệt may cho biết. Trong số 56 công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019, 26 công ty chuyển đến Việt Nam.
 

 
Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Trung Quốc với Mỹ đang có tác động rộng khắp đến nền kinh tế của cả hai quốc gia. Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, thương chiến đã tạo áp lực rất lớn lên kế hoạch tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội từ năm 2010 đến 2020 của Bắc Kinh.

Các chủ doanh nghiệp ở Thiệu Hưng, một thành phố của Trung Quốc với nhiều nhà máy dệt, chịu áp lực nặng nề từ thuế quan của Mỹ ban hành vào tháng 9/2018.

"Không có nhiều tác động vào năm ngoái, nhưng năm nay tình hình thật tồi tệ", Zhang Liang, nhà điều hành một công ty thương mại cho biết. "Doanh số của chúng tôi giảm 60%."

"Nhiều chủ doanh nghiệp mà tôi biết đã chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam", ông Zhuang Xuyan, chủ sở hữu công ty dệt may cho biết. Trong số 56 công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019, 26 công ty chuyển đến Việt Nam.

Hanwah - chuyên sản xuất phụ tùng máy bay đã di dời sang Hà Nội; Youkowo - chuyên thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang Hà Nam; Huafu - chuyên dệt may đã di dời sang Long An.

Goertek chuyên sản xuất tai nghe và linh kiện điện thoại, dự kiến sẽ chuyển sang Bắc Ninh; TCL chuyên điện tử ti vi đang di dời sang Bình Dương.

Còn lại, hàng loạt các doanh nghiệp chuyên điện tử đang xem xét như Foxconn, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera và công ty chuyên sản xuất giày dép như Asics.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm trong quý thứ hai liên tiếp xuống còn 6% trong quý III, giảm 0,8 điểm phần trăm - một mức giảm nghiêm trọng đối với Trung Quốc - kể từ quý I năm ngoái. Để tăng gấp đôi GDP vào năm 2020, quốc gia này cần tăng trưởng trung bình 6,2% trong năm nay và năm tới.

Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang, người chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế, đã yêu cầu các lãnh đạo cấp tỉnh tăng cường "ý thức cấp bách" của họ. Tăng trưởng ổn định là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, ông nói.

Xem xét các dữ liệu, ta sẽ thấy nhiều dấu hiệu kém khả quan hơn nữa. Các ngành công nghiệp thứ cấp như sản xuất và xây dựng tăng trưởng 5,2% trong quý III, giảm 0,4 điểm so với quý trước. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1992. Đầu tư cũng tăng trưởng ở mức thấp kỷ lục 2,5% trong giai đoạn 9 tháng năm 2019.

"Kinh tế thực sự của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức đáng kể", phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Mao Shenyong nói.

Các ngành công nghiệp ô tô và điện tử, cả hai đều rất quan trọng đối với Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cả doanh số bán và sản lượng ô tô đều giảm trong 15 tháng liên tục ở 15 nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc.

Trong khi đó, các lô hàng điện thoại di động đã giảm trong tháng 9 năm thứ 4 liên tiếp. Sản xuất điện thoại thông minh đã giảm 3 tháng liên tiếp. Nhập khẩu linh kiện thiết bị từ Hàn Quốc, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng cho thiết bị điện tử, đã giảm 27% trong năm vào tháng 9.

Thuế quan cao của Mỹ cũng đã làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 22% trong năm vào tháng 9, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngành bán lẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực khi chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại. 5.000 nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc được theo dõi bởi Bộ Thương mại đã ghi nhận mức tăng 2% doanh số trong tháng 7-9. Con số này là rất tiêu cực sau khi tính đến lạm phát. Doanh thu từ sòng bạc ở Macao, một biểu hiện chi tiêu của những người giàu có, đã giảm 4% trong quý trước.

Tuy nhiên, chính phủ không ngần ngại đưa ra các biện pháp kích thích lớn. Tổng nợ của Trung Quốc đạt tới 254% GDP vào cuối năm 2018. 

Có một số điểm sáng le lói. Doanh số sản xuất công nghiệp và bán lẻ hàng tháng đều được cải thiện trong tháng 9, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp. "Có những yếu tố tích cực trong quý IV và chúng tôi có thể đảm bảo sự ổn định kinh tế", ông Mao nói, đưa ra một triển vọng tăng trưởng cho những tháng tới.

 

Theo Trí thức trẻ/Nikkei Asian Review

cafe doanh nhân
golden plaza